24/7 SUPPORT AVAILABLE! CALL OR TEXT ANYTIME
Có một thực tế hiển nhiên là một khi đất nước càng phát triển thì các nghề làm dịch vụ cũng có đất để ăn theo. Nhiều quốc gia trở nên giàu có, GDP tăng lên vùn vụt, hỏi ra mới biết, mức đóng góp của các nghề dịch vụ lại là cốt lõi của sự tăng trưởng. Điều ấy tôi đã được thấy, được chứng kiến ngay trên đất Mỹ khi người ta đưa đến cho tôi một thông tin khá thuyết phục: Trong tổng GDP của Mỹ là 14.000 tỷ USD thì các nghề dịch vụ chiếm đến 80%. Một trong số những nghề làm dịch vụ ấy đang rất thịnh hành ở Mỹ lại là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Đây cũng là nghề thu hút phần lớn bà con Việt kiều của ta đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Có lẽ vì thế mà chuyến sang Mỹ vừa qua, tôi có ý định tìm gặp những người Việt Nam hàng ngày đang làm đẹp cho người trên đất Mỹ. Cái nghề dịch vụ ấy ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, ta vẫn quen gọi là làm nail. Nhưng rất tiếc quỹ thời gian ở Mỹ quá ít nên không thực hiện được. Thế rồi tôi chợt nhớ đến lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ vào mùa hè năm 2005. Thời điểm ấy, khi đoàn nhà báo Việt Nam tháp tùng Thủ tướng lần đầu tiên xuất hành đến thăm nước Mỹ, sau một chặng bay dài hơn 20 tiếng đồng hồ, thăm chính thức bang Washington ở miền Tây nước Mỹ, đến Thủ đô Whashington D.C rồi qua thành phố New York, theo lộ trình đoàn đến thăm thành phố Boston. Tại đây, tình cờ tôi gặp một Việt kiều đang sinh sống tại thành phố này.
Tên anh là Lê Quang Định, sang Mỹ định cư từ những năm đầu thập kỷ 80, thế kỷ XX. Sau cái bắt tay và vài câu chuyện xã giao, tôi hỏi anh Định: – Ở Boston, gia đình anh sống bằng nghề gì? Rất tự nhiên, anh trả lời: – Bằng nghề nail! Rồi anh kể nghề nail là thế mạnh của kiều bào mình ở Mỹ. Đây là một nghề dịch vụ rất phù hợp với người Việt, bởi không cần phải huy động sức mạnh cơ bắp, trí tuệ cao siêu mà chỉ cần sự khéo léo, tỉ mẩn, nhã nhặn… là có thể nuôi sống mình và gia đình mình. Hơn nữa, nhiều bà con sang đây dường như chỉ là hai bàn tay trắng, vốn liếng không có, quan hệ thì không nên thường tìm đến nghề nail là thượng sách. Với gia đình anh Định cũng vậy. Ở Mỹ đã hơn 20 năm, nhờ làm nghề nail nên gia đình anh đã tích cóp được số vốn cỡ vài trăm ngàn đôla chuyển về nước với ý định xây dựng một bệnh viện tư để tham gia khám và chữa bệnh cho người dân thành phố. Chuyện là thế, ý định viết một bài về người Việt làm nghề nail ở Mỹ của tôi vẫn bị lãng quên theo thời gian. Tại một tiệm làm nail của người Việt trên đất Mỹ. Rất may bên lề hành lang Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài vừa diễn ra ở Thủ đô Hà Nội, tôi gặp chị Trần Kim Tuyến, một nữ doanh nhân Việt kiều đang sinh sống tại bang California (Mỹ). Chị là đại biểu đại diện cho đông đảo bà con Việt kiều đang làm nghề nail trên đất Mỹ về tham dự hội nghị. Câu chuyện của chị bên hành lang hội nghị đã thu hút tôi quên cả giờ nghỉ trưa. Theo chị kể thì chị quê ở thành phố Cần Thơ, nơi có dòng sông Hậu hiền hòa. Năm 1980, do gia đình gặp nhiều bức bách về kinh tế, chị quyết định rời nhà ra đi. Sau 4 năm tạm trú tại trại tị nạn ở Malaysia và Philippines, đến đầu năm 1984, chị mới chính thức được đặt chân đến Mỹ.
Tưởng đâu được đến “miền đất hứa” như nhiều người mơ ước, nào ngờ đến một nơi như chị bảo “không cửa, không nhà, không người thân thiết. Tất cả mọi cái từ ngôn ngữ đến phong tục tập quán với tôi đều xa lạ”. Do vậy thời gian đầu chị phải sống bằng những đồng tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ. Nhiều lúc chị cũng rất muốn kiếm một việc làm, dù nhận được đồng lương ít ỏi, song cũng khó, vì ở trong nước chị chỉ đơn thuần làm nghề nông nên đến đâu, họ cũng không nhận. Cuối cùng chị quyết định đi học một khóa học nghề nail. Thời gian khóa học chỉ kéo dài 3 tháng, nhưng phải 6 tháng sau chị mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Tại khóa học này, người ta đã dạy chị những nghề mà ngay ở Việt Nam cũng đang rất thịnh hành và phù hợp với chị em phụ nữ như chăm sóc, làm đẹp da, tóc, cắt tỉa, sơn sửa móng chân, móng tay v.v… Chỉ có khác là ở Mỹ, ai muốn hành nghề loại hình dịch vụ này thì phải qua khóa đào tạo và phải được cấp chứng chỉ hành nghề, còn ở ta thì xem ra vẫn đang thả nổi. Sau khi nhận được chứng chỉ hành nghề, để tích lũy được kinh nghiệm, chị xin vào làm thuê cho một tiệm làm nail của một gia đình Việt kiều tại thành phố California. Tiền một tháng làm công, chị được chủ trả cho 300 USD – một số tiền quá nhỏ so với mức sinh hoạt ở Mỹ; song chị vẫn nhẫn nại.
Chị bảo rằng, đó là một giai đoạn rất quan trọng, nó giúp chị có thêm kiến thức về quản lý, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và cách tiếp cận với thương trường. Do vậy, sau hơn 1 năm làm thuê, nhờ tích cóp được ít vốn, chị mạnh dạn thuê một căn nhà rộng chừng 35m2 với giá 1.500 USD/tháng để mở tiệm làm nail cho riêng mình. Căn nhà này trước đó chủ của nó cũng mở tiệm làm nail, nhưng do vắng khách nên khi thấy chị ngỏ lời thuê lại, họ đã chấp nhận và sang luôn cả đồ nghề. Nhưng khi làm chủ tiệm, chị quyết định thanh lý toàn bộ đồ nghề cũ và thay vào đó là bộ đồ nghề mới hợp thời trang. Như vậy kể cả tiền sang nhượng nhà và mua sắm đồ nghề mới, chị đã phải chi trả số tiền lên đến 100.000 USD. Để kéo khách về với tiệm, chị chọn lựa và thuê 4 thợ giỏi có tay nghề cao là những thanh niên người Việt về làm cho mình. Thời gian đầu, chị vừa trong vai trò là chủ vừa là người thợ. Do làm tốt, làm kỹ, đảm bảo vệ sinh và lịch thiệp, người nọ mách người kia, khách tìm đến tiệm của chị ngày một đông hơn. Khách đến tiệm nail của chị phần đông là người Mỹ. Thôi thì đủ lứa tuổi, đàn ông, đàn bà, thanh niên, sinh viên, công nhân, tri thức… Từ chỗ chị thuê 4 người làm công, dần dần tăng lên 10 người. Vậy mà nhiều ngày vẫn không phục vụ hết khách. Không cần quảng cáo ồn ào trên báo chí, thay vào đó, chị luôn chỉ bảo các nhân viên của mình: “Các em phải coi khách hàng là nguồn sống của chính mình. Hãy coi họ là ân nhân, là thượng đế”. Với phương thức quản lý ấy, chỉ sau 2 năm, chị Trần Kim Tuyến đã phát triển thêm 3 tiệm làm nail nữa ở bang Cali, trong đó có 2 tiệm chị bỏ tiền mua đứt luôn. Ban đầu chị chỉ thuê 4 thợ, đến nay số thợ đang làm việc ở 4 tiệm nail của chị đã lên đến 53 người; trong đó có 26 nam, số còn lại là nữ. Tất cả đều là con em bà con Việt kiều đang định cư tại Mỹ. Do công việc ngày một nhiều, hàng ngày quỹ thời gian của chị chỉ dành cho việc quản lý, kiểm tra, hướng dẫn và uốn nắn cho các nhân viên làm việc ở các tiệm nail. Để phát huy năng lực, sở trường của đội ngũ nhân viên, động viên những người làm tốt, thời gian gần đây, chị thực hiện phương thức ăn chia với công thức 6/4. Theo đó nếu người thợ làm 1 ngày có doanh thu 100 USD, họ được nhận 60 USD, chủ tiệm nhận 40 USD để chi phí cho các khâu quản lý, khấu hao nhà cửa và phương tiện hành nghề, tiền thuế… Theo chị thì với việc thực hiện phương thức nói trên, trung bình người thợ có tay nghề cao trong việc làm lông mi, tỉa lông mày… cũng thu được từ 400 – 500 USD. Còn những người thợ làm các dịch vụ khác như sửa, cắt tỉa móng tay, móng chân, nếu làm tốt, mỗi ngày cũng thu được 120 – 150 USD, một tháng họ cũng có số tiền hơn 3.000 USD. Tác giả và chị Trần Kim Tuyến. Trong câu chuyện với tôi, chị bảo rằng, ở thành phố California hiện có hơn 1 triệu người Việt Nam sinh sống. Người ta đã làm bản thống kê rằng, cứ 10 phụ nữ Việt kiều ở bang California thì có từ 7 đến 8 người làm nghề nail. Còn mở rộng ra trên phạm vi nước Mỹ thì cứ 100 Việt kiều lại có 1 người làm chủ tiệm nail.
Con số thống kê trên đủ nói lên bức tranh toàn cảnh về người Việt ta ở Mỹ đang làm nghề nail đã và đang phát triển đến mức nào? Theo đó là số tiền thuế hàng tháng, hàng năm của họ đóng góp cho ngân sách Mỹ ra sao? Trở lại câu chuyện với chị Trần Kim Tuyến, chị lại bảo: Nghề nail là nghề rất phổ biến và phù hợp với cộng đồng người Việt. Có thể nói ở nước Mỹ ở đâu có Việt kiều thì có người làm nail, song tập trung nhất là các thành phố California, Texas, Louisiana. Chỉ riêng ở Texas, theo các cơ quan chức năng ở đây đã có khoảng hơn 5.000 tiệm nail với 25.000 nhân viên đang hành nghề. Sở dĩ người Việt mình sang đây tập trung vào nghề nail là vì nghề này dành cho mọi người, ai cũng có thể làm được, không cần phải giỏi tiếng Anh, chỉ cần đủ kiến thức để giao dịch với khách, chịu khó, cần mẫn, lịch thiệp và khéo léo là có thể đáp ứng được yêu cầu của khách. Theo chị Tuyến thì mỗi tiệm nail của chị, mỗi ngày tiếp khoảng từ 35-40 khách; còn 3 ngày cuối tuần thì đông hơn, có ngày tiếp hơn 100 khách. Dĩ nhiên số tiền thu được từ các tiệm nail của chị cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, theo chị thì để tồn tại và phát triển, sống được bằng nghề nail trên đất Mỹ đòi hỏi sự chấp hành nghiêm túc các quy định của luật pháp Mỹ, nếu không muốn bị đóng cửa hoặc chịu mức phạt khá nặng. Chị Trần Kim Tuyến bảo: Khi đoàn kiểm tra của cơ quan y tế và dịch vụ Hoa Kỳ đến tiệm nail kiểm tra, nếu phát hiện một chiếc ghế dơ bẩn là họ phạt lần đầu là 500 USD.
Lần thứ 2 tái phạm, mức phạt lên đến 1.500 USD. Còn lần thứ 3 là đóng cửa tiệm. Nghề nail ở Mỹ tuy không phải sử dụng nhiều chất xám như một số nghề khác nhưng hàng ngày phải ngồi lì 12 tiếng trong ngày. Người nào làm giỏi, làm tận tụy ắt sẽ có thu nhập cao. Ở Mỹ, trừ 2 ngày: Tết Noel và ngày tết độc lập của Mỹ, thợ nail được nghỉ, còn hầu như họ phải làm quanh năm. Quy định này xem ra với dân làm nail người Việt hoàn toàn tuân thủ, vì họ cũng muốn làm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình và có tiền gửi về nước trợ giúp cho những người thân ở quê nhà. Riêng đối với chị Trần Kim Tuyến, 25 năm sống với nghề làm nail trên đất Mỹ đã giúp chị tích tụ được số vốn kha khá. Giờ là lúc chị có cơ hội để nghĩ về quê hương đất nước. Chị nói: “Không đâu bằng quê cha, đất tổ của mình. So với Mỹ và nhiều nước mà tôi đã có cơ hội đặt chân đến, Việt Nam còn thua kém về nhiều mặt, nhưng hơn một thập niên trở lại đây, cùng với vị thế về chính trị, kinh tế nước mình phát triển nhanh. Đó chính là điểm tựa, là niềm tin để người Việt Nam ở hải ngoại tin tưởng cùng góp sức dựng xây đất nước. Ngay quê hương tôi, mỗi lần về thăm, tôi lại thấy đổi khác. Gặp lại những người thân trong họ hàng, thân tộc, các bạn bè từ thời ấu thơ mà lòng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Theo tiếng gọi của quê hương, đất nước, tôi đang xúc tiến làm thủ tục để thành lập doanh nghiệp đầu tư về quê nhà. Lĩnh vực mà tôi quan tâm đầu tư là kinh doanh bất động sản, địa ốc và xây dựng các khu đô thị mới”.
Chia tay với chúng tôi, chị cười cười, nói nói: – Cũng may là đất nước sớm hội nhập, mở rộng cửa để đón những kiều bào từ khắp năm châu. Giờ đây đi lại không còn khó khăn như ngày trước; chỉ cần vài ngày là có thể có cả chuyến đi lẫn về. Sau Hội nghị Việt kiều này, tôi nghĩ bà con mình sẽ về nước nhiều hơn, nhất là khi giá các mặt hàng hóa ở ta cái gì cũng rẻ hơn rất nhiều so với ở Mỹ và nhiều nước khác. Ai ai cũng một ao ước: Kiếm tiền ở Mỹ về đầu tư trên đất mẹ thì có gì sướng bằng!
Chú ý :
Làm Nails USA với thay đổi mới sẽ giúp cho bạn dễ dàng đăng tin và quản lý tin đăng của bạn – Cập nhật, xóa tin đã đăng và có thể đăng sản phẩm với nhiều hình ảnh hơn – Tương lai sẽ có thêm nhiều chức năng mới – Đặc biệt bạn có thể đăng bán hàng sản phẩm kèm giá – hình ảnh – mô tả ^^ – Để Làm Nails USA cùng phát triển với cộng đồng Nails người Việt tại Mỹ – Bạn hãy đóng góp ý kiến để chúng tôi có thể thay đổi sao cho tiện lợi hơn cho bạn – Comment để góp ý kiến nhé – Làm Nails USA trân trọng cảm ơn tất cả các bạn
Mời bạn chia sẻ kinh nghiệm của bạn trong phần comment.
Bài viết bạn nên xem :
Nguồn : Sưu tầm Internet
LIMITED TIME OFFER
GET $10 OFF
New Customers Only Enter your email to receive this $10 coupon for any orders.
No, thanks