24/7 SUPPORT AVAILABLE! CALL OR TEXT ANYTIME
Gần đây, chúng tôi nhận được khá nhiều những điện thư từ các bạn chủ tiệm Nail đều liên quan đến hai vấn đề: làm sao quản lý thợ và làm sao tìm thợ?
Vì quá bận rộn với những công việc cố vấn, và không có nhiều thời gian để trả lời riêng cho từng bạn. Cho nên, chúng tôi mượn hai chủ đề này để trả lời chung cho các bạn trong bài viết này. Hy vọng, qua bài viết này, không những chỉ trả lời cho các bạn đã thắc mắc, mà biết đâu, còn có thể giúp cho các bạn khác, đang thắc mắc mà chưa kịp hỏi, cũng có thể hiểu rõ được vấn đề.
Làm Sao Quản Lý Thợ Nail?
Có thể nói, trong thương trường, là một người chủ, dù người chủ đó kinh doanh trong bất cứ một nghành nghề nào, nếu muốn tồn tại và phát triển cơ sở kinh doanh, thì người chủ đó, cần phải có ít nhất 2 điều vô cùng quan trọng sau đây. Đó là:
“Có khách” để có đủ “sở hụi” cho cơ sở/tiệm được tồn tại, và “có thợ” để phát triển doanh nghiệp một cách lớn mạnh hơn.
Phần đông, các chủ tiệm Nail thường chỉ chú trọng đến yếu tố thứ nhất là “có khách,” mà quên đi yếu tố thứ hai là “có thợ.”
Nếu bất đắc dĩ, phải đặt lên bàn cân xem “có khách” quan trọng hơn, hay có thợ” quan trọng hơn, thì chắc chắn, bàn cân sẽ nghiêng về phía “có thợ.”
Tại sao?
Thứ nhất: Vì không có thợ, thì khách có đông bao nhiêu, cũng vô dụng. Vì sao? Vì không có người phục vụ, thì khách cũng bỏ đi.
Thứ hai: Dù có đông khách bao nhiêu, mà nếu thợ “quậy” làm mất lòng khách, thì khách cũng sẽ bỏ đi.
Như vậy, cả 2 người hợp nêu trên đều dẫn đến tình trạng cơ sở/tiệm sẽ rơi vào tình trạng thiếu khách, rồi rơi vào cảnh thiếu hụt tài chánh xoay sở, rồi dẫn đến lụn bại, và cuối cùng là đóng cửa.
Ngược lại, tuy tiệm có ít khách, nhưng có đủ thợ, và thợ biết cách chiều lòng khách, thì khách sẽ giới thiệu thêm người quen, bè bạn của họ cho cửa tiệm, khiến cho cơ sở/tiệm ngày càng gia tăng lợi nhuận, phát triển lớn mạnh trong tương lai.
Nếu phải ví “có khách” và “có thợ” như 2 con gà “đẻ trứng vàng,” thì con gà “thợ” là vàng 24, còn “khách” chỉ là vàng 14 mà thôi. Giá trị của “có thợ” so với giá trị của “có khách” thì “cao” hơn một bậc, hay nói một cách đơn giản hơn, là quan trọng hơn “một cấp.”
Tiếc thay, các chủ tiệm Nail vì không hiểu, hay vì không thể thẩm định được đúng mức giá trị trên bàn cân, nên thường, chỉ biết chú trọng đến phần “có khách,” mà quên mất phần “có thợ.”
Có thể nói, 95% các chủ tiệm Nail Việt đều xuất thân từ thợ mà ra. Cho nên, đứng về góc độ hiểu được tâm lý của một người thợ như thế nào, thì người chủ tiệm Nail Việt là rành nhất.
Nhưng khổ thay, khi đi làm thợ cho người khác, thì chúng ta có khi phải ‘ăn cơm chan trong nước mắt,” nhưng khi làm chủ, thì chúng ta cũng khiến cho thợ cũng phải “nước mắt chan cơm”. Nói một cách khác, chúng ta, một khi trở thành chủ, lại vô tình hay cố tình quên đi giai đoạn khó khăn khi đi làm thợ của mình để hôm nay không đối sử tốt với thợ của mình.
Và đây là 4 lỗi lầm lớn, mà các chủ tiệm Nail thường mắc phải trong quá trình quản lý nhân sự (thợ).
1-Hách Dịch
Cho dù Bạn có quyền cao đến mấy, học vấn cao đến đâu, giỏi đến thế nào, thì một người chủ/quản lý hách dịch chỉ khiến cho thợ “sợ” trước mặt, chứ không thể khiến cho họ “tâm phục” sau lưng. Quan hệ giữa chủ/quản lý và thợ cũng như “thuyền” với “biển”. Khi được “nước” thì thuyền “cưỡi” biển. Nhưng khi có “thế” là “biển” nhận chìm “thuyền”. Khổ thay, các chủ tiệm Nail thường chỉ biết vênh mặt, coi thường thợ; chỉ biết ra oai, không biết quý trọng thợ; chỉ yêu cầu thợ tôn trọng mình, mà không bao giờ tôn trọng lại thợ; chỉ biết phê bình, chửi mắng thợ, nhưng không cho phép thợ bình luận, phê phán về mình… đó chính là nguyên nhân đầu tiên, đưa cửa tiệm bước vào con đường suy sụp và thất bại.
2-Nóng Giận Vô Cớ
Thống kê cho thấy, cứ một lần nóng giận vô cớ của người chủ là có thể ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý làm việc của thợ. Thế mà, phần lớn các chủ tiệm Nail Việt lại không ý thức được việc này. Họ hay nổi cáu với thợ của họ, và đôi khi, còn coi thợ của họ là chỗ để họ trút những cơn thịnh nộ/giận. Khi thợ bị xúc phạm, người chủ sẽ rất khó để mà sửa sai, và làm cho quan hệ chủ-thợ hòa thuận được như cũ. Hay nói một cách khác hơn là, khi đã khứa vào da một lằn sâu rồi, thì cho dù có lành lặn sau đó, trên làn da vẫn còn vết sẹo. Và đây cũng chính là nguyên nhân thứ hai đưa tiệm đến vắng khách và vắng thợ.
3-Không Giữ Thể Diện Cho Thợ
Điều tối kỵ của nhà quản lý/chủ tiệm Nail Việt thường vấp phải là: trách mắng thợ ngay trước mặt khách hàng, hoặc trước mặt người thứ ba. Các nhà tâm lý đều cho rằng, là một người chủ, cần phải tôn trọng thể diện của thợ trước mặt người khác, vì đây chính là điều kiện không thể thiếu, trong việc thiết lập mối quan hệ gần gũi hòa đồng giữa chủ và thợ. Tiếc thay, hình như đây lại là việc hết sức bình thường, xẩy ra liên tục trong các tiệm Nail Việt. Mắng thợ trước mặt khách, hay người thứ ba, là chuyện bình thường.
4-Chia Tua/Phiên
Chia tua/phiên khách cho thợ đã trở thành “vấn nạn” trong quá trình quản lý nhân sự của các tiệm Nail Việt.Sự phân chia không đồng đều của người quản lý/chủ, sẽ khơi dậy sự thù hằn, oán ghét, đố kỵ giữa các người thợ với nhau, cũng như giữa thợ với chủ. Cũng từ sự chia tua/phiên này, tạo ra sự phục vụ cẩu thả để giành khách “sộp”, hoặc chủ muốn dồn khách cho thợ bao trước khiến cho tiêu chuẩn phục vụ trở nên tồi tệ, dẫn đến mất khách hàng, và cửa tiệm suy sụp.
Và đây là 6 sai lầm không kém nghiêm trọng khác:
Sai lầm thứ 1: Không trao quyền
Chìa khóa dẫn đến thành công là phải học cách trao quyền hiệu quả, bao gồm cả trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ, và thẩm quyền cần thiết để thực hiện công việc suôn sẻ.
Tiếc thay, các chủ tiệm Nail Việt thì chả thích tin ai, ngoài mình.
Sai lầm thứ 2: Không thiết lập các mục tiêu
Không chỉ giao những mục tiêu, chỉ tiêu, trực tiếp cho thợ, mà người quản lý/chủ phải bảo đảm, thợ của mình phải đang làm việc hướng đến mục tiêu chung của tiệm. Thiết lập mục tiêu cho thợ, là một công việc then chốt, của bất cứ một nhà quản lý/chủ tiệm nào muốn thành công.
Tiếc thay, không có bao nhiêu chủ tiệm Nail biết được mục tiêu/mục đích của tiệm mình là gì?
Sai lầm thứ 3: Tìm giải pháp vội vàng
Bất kể vấn đề có khó khăn đến đâu, bao giờ cũng có có một giải pháp để giải quyết. Vấn đề nằm ở chỗ, các chủ tiệm Nail thường nóng lòng đi tìm những giải pháp nhanh gọn, để đốt cháy giai đoạn, mà bỏ qua những biện pháp lâu dài, có thể tốn thời gian hơn, để giải quyết đúng đắn hơn. Vì vậy, sau những giải quyết nóng vội, là những hậu quả tai hại khôn lường.
Sai lầm thứ 4: Không khuyến khích học hỏi
Tất cả các thợ, dù tài năng hay cẩn thận đến mức nào, cũng có khi mắc phải sai lầm. Sự khác biệt giữa thợ tốt và thợ dở, chính là ở khả năng học hỏi từ lỗi lầm của họ.
Tiếc thay, các chủ tiệm Nail lại không biết tạo ra những môi trường, hoàn cảnh để giúp cho thợ không ngại chấp nhận rủi ro, ngay cả khi, đó là những thất bại liên tục.
Sai lầm thứ 5: Không dành thời gian cho thợ
Khi một người thợ cần nói chuyện với người quản lý/chủ, với bất kể lý do nào, thì người quản lý /chủ phải đặt hết các công việc sang một bên, và tập trung quan tâm đến người thợ đó.
Nếu như người quản lý/chủ bận, không thể giải quyết ngay, thì phải thu xếp một cuộc hẹn khác để nói chuyện với người thợ đó, càng sớm càng tốt.
Tiếc thay điều này lại hiếm xẩy ra trong các tiệm Nail.
Sai Lầm Thứ 6: Không Công Nhận Và Khen Thưởng
Có rất nhiều cách để giúp cho người quản lý/chủ có thể đánh giá và hiểu rõ được thợ của mình. Đôi khi, chỉ với một chi phí rất nhỏ, hay thậm chí, chẳng mất đồng nào, lại rất dễ thực hiện và chỉ cần vài phút để hoàn thành. Đó là: nhà quản lý/chủ phải biết dành chút thời gian, để công nhận thành tích của thợ, đã đóng góp cho tiệm của mình.Bởi vì, là con người, ai cũng thích được người khác biết đến công lao, và đóng góp của mình. Biết khen thưởng đúng cách, đôi khi, chỉ cần vài lời nói chân thành, sẽ khiến cho người thợ đó, có một tinh thần vui vẻ, và gia tăng hiệu suất làm việc, cũng như lòng trung thành với cửa tiệm.
Tiếc thay, những chủ tiệm/quản lý lại không bao giờ làm việc này.
Như vậy, muốn làm nhà quản lý/chủ giỏi, hay thành công, thì việc sửa sai 10 điều nêu trên là việc cần phải thực hiện, và phải kèm theo 12 điều cần làm tiếp sau đây:
1-ĐỪNG TIẾC MỘT LỜI KHEN
Những nhà quản lý/chủ thành công thường biết những việc gì mà thợ mình làm tốt nhất, và có sự ghi nhận kết quả một cách xứng đáng. Bạn không nên chỉ biết khuyến khích thợ của Bạn bằng tiền thưởng, mà còn phải biết khuyến khích họ bằng những lời khen ngợi khi họ hoàn thành xuất sắc công việc, hoặc có một ý tưởng mới, hay một phương án kinh doanh sáng tạo v.v. Một lời khen chân thành của Bạn, sẽ có tác dụng động viên, khuyến khích những người thợ làm việc chủ động, sáng tạo, say mê với công việc hơn. Việc lựa chọn thời điểm, từ ngữ thích hợp sẽ giúp cho việc truyền tải “những lời có cánh” tới thợ của Bạn một cách nghệ thuật. Nên nhớ: sự tế nhị sẽ mang lại kết quả như Bạn mong muốn.
2-KHIẾN TRÁCH ĐÚNG CÁCH
Khen chê là cả một nghệ thuật. Nhiều người quản lý/chủ thường nghĩ rằng, nếu mình nhắm mắt làm ngơ những lỗi lầm của thợ, thì sẽ nhận được sự kính trọng của họ. Đây là sự suy nghĩ sai lầm. Sự suy nghĩ sai lầm này, không những sẽ kéo tiệm của Bạn đi xuống, mà còn khiến cho các người thợ khác noi theo, tiếp tục làm lỗi. Vì vậy, đừng ngần ngại khi phê bình những người thợ không làm tốt công việc được giao. Cùng với đó, Bạn cũng nên tìm hiểu nguyên nhân tại sao họ lại làm không tốt nhiệm vụ, tránh đưa ra những nhận xét cá nhân, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chủ và thợ.
3-LÀM CHỦ CẢM XÚC
Đây là một kỹ năng, đòi hỏi Bạn cần phải thường xuyên rèn luyện. Bởi cảm xúc là thứ khó điều khiến và kiểm soát nhất. Một phút nóng giận, hay một quyết định cảm tính của Bạn, có thể khiến một kế hoạch thất bại, tiệm gặp khó khăn. Vì vậy, kể cả trong lúc bực tức, Bạn cũng nên giữ bình tĩnh, tìm ra cách giải quyết, chứ không nên la lối, trút giận vào người khác. Trút giận lên người khác, chỉ khiến thợ của Bạn bị thêm ức chế, và mất hứng thú làm việc mà thôi. Một người quản lý/chủ giỏi phải là người biết kiểm soát tốt cảm xúc của mình.
4-XÂY DỰNG NIỀM TIN VÀ SỰ TÔN TRỌNG LẪN NHAU
Mỗi người thợ của Bạn đều khác nhau từ nhân cách, cá tính cho đến cách hành xử. Cho nên, khi Bạn là người quản lý/chủ, Bạn phải biết cách linh động, điều chỉnh cách thức quản lý sao cho thích hợp để giúp họ thành công. Hãy đối xử với thợ của Bạn bằng sự tôn trọng. Cung cấp những hướng dẫn và cách thức quản lý sao cho hợp lý, hợp tình. Bất cứ ai, nếu giao tiếp với tinh thần tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, đều thấy rằng, hiệu quả công việc sẽ tốt hơn. Xây dựng niềm tin với thợ của Bạn, sẽ giúp Bạn rút ngắn được khoảng cách giữa mọi người trong khi làm việc.
5-ĐƯA RA NHIỀU LỰA CHỌN
Chắc chắn khi làm việc, không thể tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm giữa Bạn và thợ của Bạn. Vì vậy, để giải quyết được vấn đề này, Bạn không nên khăng khăng giữ nguyên ý kiến của mình, và bắt thợ của Bạn phải làm theo. Hãy đưa ra nhiều lựa chọn để cả nhóm có thể thảo luận, và cùng chọn ra phương án tốt nhất. Như vậy, không những Bạn có thể tháo gỡ được những sự khó khăn, bực dọc của thợ, mà còn tránh gây ra mâu thuẫn và xung đột gia tăng.
6-THẤU HIỂU THỢ
Để làm được điều này, Bạn phải thật sự là một quản lý/chủ luôn theo sâu sát với thợ của mình. Bạn phải biết được năng lực, sở trường và cách khắc phục những yếu điểm của họ. Đồng thời, Bạn cũng cần tìm hiểu về những khó khăn, trở ngại trong công việc, và những kiến nghị của thợ. Từ đó, Bạn có thể đặt ra những điều chỉnh phù hợp, cả về cơ cấu tổ chức, cũng như vai trò nhiệm vụ, cụ thể của từng người. Nếu làm được việc này, chắc chắn Bạn sẽ được thợ tin tưởng và nể trọng, đồng thời, góp phần xây dựng sự đoàn kết trong tiệm, tạo động lực để mọi người cùng tiến lên.
7-TẠO KHÔNG KHÍ VUI VẺ
Một người quản lý/chủ chuyên nghiệp luôn có cách để tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái trong mọi tình huống. Trong những cuộc họp, hay tranh luận căng thẳng về một vấn đề nào đó, nếu có một lời động viên, một câu nói hài hước, dí dỏm từ Bạn, thì sẽ khiến mọi người thoải mái hơn, và biết đâu, công việc sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh công việc, Bạn nên hãy học cách gần gũi lại với mọi người, thông qua các hoạt động như vui chơi, giải trí,v.v. Tình cảm giữa các thợ trong tiệm là một trong những đóng góp quan trọng vào thành công của tiệm, và giúp giảm thiểu các xung đột khi làm việc.
8-ĐƯA RA LỜI KHUYÊN HỮU ÍCH
Là người quản lý/chủ giỏi, Bạn cũng cần phải có kỹ năng lắng nghe những ưu tư, thắc mắc của thợ và chia xẻ với họ những lời khuyên hữu ích. Khi có vấn đề rắc rối, Bạn phải đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể, để từ đó đưa ra lời khuyên, và có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý. Như vậy, sự tương tác giữa Bạn với thợ sẽ tăng lên đáng kể, và họ sẽ cảm thấy gần gũi hơn với Bạn. Khi đó, Bạn không chỉ thu được những thông tin cần thiết, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của thợ, mà còn là hình thức động viên, khuyến khích để họ làm việc tốt hơn.
9-CÔNG BẰNG
Khi làm việc, Bạn hãy bỏ qua hết sự thù hằn, ý kiến cá nhân, không chấp nhất những chuyện nhỏ, tỵ nạnh để giảm thiểu tối đa sự va chạm, mâu thuẫn… với thợ. Một người quản lý/chủ tốt, sẽ biết cách làm việc, và đưa ra những quyết định công bằng, để dẫn dắt mọi người cùng hăng say làm việc, và hướng đến những mục tiêu chung; chứ không phải chăm chăm xét nét, và phán đoán dựa trên cảm tính cá nhân. Sự công bằng của Bạn, còn khuyến khích mỗi thợ nỗ lực làm việc, để phát huy hết khả năng của mình, đem lại thành công trong công việc.
Việc giao tiếp hiệu quả với thợ của Bạn không phải từ “trên trời rơi xuống”, hay một sớm một chiều mà được. Mà đó là cả một quá trình dài, tích luỹ liên tục trau dồi và rèn luyện. Đây cũng là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc và sự nghiệp lâu dài của Bạn. Vì vậy, nếu Bạn muốn trở thành một người quản lý/chủ được thợ yêu quý và tôn trọng, hãy luyện cho mình những kỹ năng trên nhé, thành công sớm sẽ mỉm cười với Bạn.
10-LẮNG NGHE
Có hàng ngàn lý do, khiến thợ của Bạn trở nên căng thẳng, không hài lòng với tiệm. Nếu không được giải toả sớm, việc các thợ của Bạn sẽ ra đi là điều không tránh khỏi. Có một nghịch lý là càng ở vị trí cao, Bạn càng khó nghe được ý kiến phản hồi từ thợ. Hãy dành chút thời gian để trực tiếp lắng nghe mọi nguyện vọng của thợ. Đây là cách dễ dàng nhất, thể hiện sự quan tâm và phá bỏ rào cản không đáng có giữa chủ và thợ.
11-TẠO MỤC TIÊU CHUNG, CÙNG THỢ HƯỚNG TỚI
Thợ sẽ vô cùng thích thú và vui vẻ, nếu biết việc mình làm đang đóng góp, hướng đến một sứ mệnh lớn lao. Việc truyền những thông tin cụ thể, mạnh mẽ như “tốt nhất”, ” lớn nhất”, “giỏi nhất” thường tạo động cơ làm việc nhanh và hiệu quả cho mỗi thợ.
Qua mục tiêu chung hướng đến, kích thích sự sáng tạo của thợ qua các ý tưởng, đề xuất, đóng góp. Điều quan trọng, hãy luôn để thợ biết ý tưởng đóng góp của họ luôn được lắng nghe và đánh giá cao.
12-CHIÊU ĐÃI THỢ
Việc thỉnh thoảng được Bạn chiêu đãi đi ăn, mua quà tặng, nhìn có vẻ đơn giản, nhưng dễ dàng mang lại hiệu quả cao. Đây là cách thức dễ nhất để thợ cảm nhận được sự quan tâm của Bạn dành cho họ. Vài ý tưởng như, thỉnh thoảng mời thợ ăn trưa, mời về nhà dự tiệc cuối tuần, cũng là cách thức khích lệ thợ, mở rộng giao lưu ngoài công việc, gắn bó với nhau hơn.
Quản trị nhân sự luôn là bài toán khó khăn nhất đối với người quản lý/chủ doanh nghiệp. Tiệm càng lớn bao nhiêu, càng khó quản lý thợ bấy nhiêu. Sự thật, dù Bạn có toàn quyền sa thải thợ, nhưng sự ổn định nội bộ là yếu tố tiên quyết để tiệm phát triển. Nhân tài cũng không dễ kiếm chút nào. Do đó, trước khi ra quyết định cuối cùng, có lẽ Bạn nên nỗ lực để giúp những thợ “khó nhằn” này thích ứng với tiệm.
Và Sau đây là 5 cách ứng phó với thợ “khó nhằn” của Bạn.
Khi phải đối diện với các vấn đề liên quan đến tính cách của thợ, các nhà quản lý/chủ thường có hai hướng giải quyết. Một là đối đầu, dẫn đến thái độ thù nghịch ngày càng gia tăng, hai là mặc kệ và để tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Thay vì cứng nhắc áp dụng các quy định, Bạn có thể sử dụng vài cách mềm dẻo hơn, để hướng thợ theo cách có lợi cho bản thân họ, cho đồng nghiệp lẫn cho tiệm.
Thợ tự kiêu hay thổi phồng tầm quan trọng của mình, khao khát sự chú ý và khen ngợi. Họ tự kiêu và thiếu năng lực đồng cảm với người khác. Họ sẽ không quan tâm những gì người khác đang cảm thấy, và đó là một nhược điểm rất lớn tại nơi làm việc.
Ưu Điểm
Điều thú vị là họ sẽ làm tốt khi nắm giữ các vị trí quyền lực. Bởi vì, họ rất nghiêm túc với thành quả công việc, và đánh giá cao quyền lực. Sự thực là, hầu hết những người có tố chất quản lý/chủ đều có ít nhiều chút tự kiêu.
Nên Tránh:
Nếu Bạn chọn cách nói thẳng với họ rằng: hành vi của họ, sẽ làm cho người khác cảm thấy khó chịu, hoặc việc đó gây thiệt hại cho tiệm, (có thể có hiệu quả với một số thợ khác), nhưng với những người thợ tự kiêu này, thì không nên. Bởi vì, những thợ tự kiêu này, họ rất nhạy cảm với những lời chỉ trích, và có khả năng phản trả lại Bạn rất mạnh mẽ.
CÁCH GIẢI QUYẾT:
Nếu Bạn muốn giữ những người này, và muốn họ cống hiến cho công việc, Bạn phải đưa ra những lợi ích đi kèm với trách nhiệm. Đó là thứ duy nhất khiến họ chú ý, và đánh giá cao.
Họ hứa hẹn sẽ giúp Bạn hoàn thành công việc, nhưng sau đó lại không. Hoặc họ sẽ xuất hiện vào những giây phút cuối cùng. Người thợ thụ động hay tạo ra gây hấn, như một hình thức biểu hiện của sự tức giận gián tiếp. Nếu Bạn muốn thử tìm hiểu lý do khiến họ tức giận, và cố gắng giải quyết vấn đề, thì Bạn sẽ thất vọng. Vì đó là một dạng, rối loạn tính cách, nên Bạn phải tính toán cẩn thận.
Ưu Điểm
Không giống như thợ tự kiêu, thợ kiểu này có khả năng đồng cảm khá cao và họ cũng muốn thăng tiến trong môi trường làm việc. Cho nên, Bạn có thể sử dụng cả hai đặc điểm này, để thúc đẩy họ. Chủ yếu là Bạn phải đặt kỳ vọng rất rõ ràng cho họ.
Một điều cần chú ý là phản ứng của riêng Bạn với những người này. Họ sẽ khiến cho Bạn “tiến thoái lưỡng nan,” khiến Bạn cảm thấy vô dụng, vì không kiểm soát được tình hình, và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Họ có thể kiểm soát Bạn, mà Bạn không hề biết.
CÁCH GIẢI QUYẾT:
Cách duy nhất là nói rõ những gì Bạn cần từ họ, và khi nào là thời hạn hoàn thành. Ví dụ như: tuần này có khách A, B, C cần làm, và họ phải báo cáo hằng ngày.
Bạn cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ công việc của những người này, nếu không họ sẽ khiến tất cả sẽ “phát điên”.
Tiệm nào cũng sẽ có một số thợ thích nhiều chuyện. Nhưng nếu một trong những thợ của Bạn thường xuyên nói xấu về Bạn, nói xấu những người khác trong tiệm, và gây ra mâu thuẫn nội bộ, thì đó là hành vi phá hoại, và Bạn cần phải giải quyết chuyện này.
Ưu Điểm
Về mặt tích cực, những người nhiều chuyện này thường có kỹ năng giao tiếp, và làm việc với người khác khá tốt. Họ thích trò chuyện. Vì vậy, Bạn có thể phân công cho họ một công việc, giúp họ phát huy khả năng này, như bán hàng chẳng hạn.
CÁCH GIẢI QUYẾT:
Giải pháp tốt nhất là, gọi những thợ này vào nói chuyện trực tiếp, giải thích rằng việc nhiều chuyện không ích lợi gì cho môi trường làm việc. Thu hút sự chú ý của họ sẽ giúp ngăn chặn họ tiếp tục lan truyền những tin đồn ác ý. Nếu Bạn thẳng thắn trao đổi với họ, và giải thích lý do tại sao những tin đồn này gây hại cho tiệm của Bạn, thì họ sẽ có lý do chính đáng, để không muốn tham gia vào việc đồn thổi những chuyện khó tin.
Một số người, để đối phó với những căng thẳng tại nơi làm việc, họ hay dùng cách buộc tội đồng nghiệp về những hành động xấu của họ, hay lớn tiếng với những người khác, và không ngần ngại thể hiện sự bực bội và tức giận. Đây là một trong số những kiểu thợ” khó khăn nhất” mà Bạn sẽ phải đối phó.
Dù gì, thì Bạn cũng đừng để họ tiếp diễn tình trạng này. Đó là những hành vi không thể chấp nhận được. Họ phải hiểu rõ giới hạn của mình. Những cơn giận phá hủy tâm trạng tích cực, cũng như các mối quan hệ tại nơi làm việc. Tệ hơn, nó sẽ dẫn đến những hành vi bạo lực, thiếu kiểm soát (chúng tôi có đăng một số tin tức về sự bạo hành trong tiệm nail ở phần Tin Tức trong trang diendan.chunail.com để giúp bạn tham khảo.)
CÁCH GIẢI QUYẾT:
Ở vai trò quản lý/chủ, Bạn phải luôn hiểu rõ tác hại của việc giận dữ, và thường xuyên học cách kiểm soát nó, hoặc phải có ai đó thuộc bộ phận nhân sự, thường xuyên nhắc nhở Bạn. Hãy tạo điều kiện để những thợ nóng tính này được tư vấn tâm lý và trò chuyện thẳng thắn về các vấn đề mà họ đang gặp phải. Một tiệm luôn trong tình trạng căng thẳng là một tiệm không thể phát triển nhanh và mạnh được.
Những người này luôn khiến cho người khác cảm thấy có lỗi, vì đã làm điều gì đó sai trái với họ. Bất kỳ điều gì không tốt xảy ra cho họ, họ đều quy trách nhiệm cho người khác.
Nên Tránh:
Thay vì ra lịnh, chỉ thị “anh/chị phải làm thế này, phải làm thế kia,” Bạn nên dùng những câu như “Tôi nghĩ anh/chị nên làm cách này tốt hơn”, “Anh/chị nghĩ nên làm thế nào?” để cho họ lựa chọn, và chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Những người này chỉ thích hợp làm những công việc độc lập mà thôi. Đưa họ vào nhóm hay làm việc chung, chỉ gây thêm bất đồng và chia rẽ.
CÁCH GIẢI QUYẾT:
Để đối phó với những thợ này, Bạn cần nói rõ cho họ biết những lời nhận xét và quan điểm của họ, là không đúng với tình hình thực tế, cũng như ảnh hưởng xấu đến đồng nghiệp trong tiệm. Những người này hoàn toàn yếu kỹ năng giao tiếp, cũng như không quan tâm đến cảm nhận của người khác.
Đó là những nét căn bản trong phương pháp quản lý mà Bạn có thể ứng dụng. Dĩ nhiên, nếu như Bạn muốn học cho đúng cách, muốn tiết kiệm thời gian, và tiền bạc trong việc thực hành, tích luỹ kinh nghiệm nhanh chóng, thì Bạn cũng có thể tham gia thành hội viên VIP của diễn đàn chunail.com. Là hội viên VIP bạn sẽ được trực tiếp học hỏi và giúp đỡ từ các chuyên gia.
KIẾM THỢ BẰNG CÁCH NÀO?
Có cả trăm cách để kiếm thợ như: đăng báo, quảng cáo trên radio, TV, quảng cáo trên websites, quảng cáo nơi các tiệm thực phẩm, v.v. Nhưng quan trọng nhất, Bạn phải biết mục đích của Bạn kiếm thợ loại nào? Nếu ngay cả Bạn cũng không biết mục đích, muốn và cần của Bạn là gì? khách hàng của Bạn muốn gì và cần gì? thì dù Bạn có mướn được thợ, mà không đáp ứng được những nhu cầu của Bạn và khách hàng của Bạn, thì cũng sẽ trở nên vô dụng. Bạn vừa tốn tiền quảng cáo, mà vừa lại bực mình. Do đó, trước khi đăng quảng cáo mướn thợ, Bạn phải tìm hiểu về mục đích, muốn và cần của Bạn trước tiên.
Sau khi tìm hiểu xong mục đích, muốn và cần của Bạn, thì Bạn mới phát thảo mẫu quảng cáo như thế nào, để tìm đúng được loại thợ mà Bạn mong muốn.
Thí dụ: tiệm của Bạn là khách sang, cần thợ có tay nghề giỏi. Như vậy, trong 5 loại thợ, thì thợ tự kiêu chính là thợ Bạn phải tìm. Cách thức quảng cáo và nội dung quảng cáo cho mỗi loại thợ sẽ khác nhau. Đơn cử như sau:
BẠN LÀ NGƯỜI TỰ KIÊU?
Nếu Bạn tự kiêu…Bạn có tay nghề giỏi?
Nếu Bạn tự kiêu…Bạn có khả năng…
khiến cho các khách hạng sang của chúng tôi phải vừa lòng?
Nếu Bạn tự kiêu… dám gánh trách nhiệm?
Khách hàng chúng tôi và chúng tôi sẵn sàng THÁCH THỨC Bạn.
Nếu Bạn chứng minh… Bạn đúng là người tự kiêu.
Chúng tôi sẽ thua Bạn ½ tuần lương.
Nếu Bạn chưa đủ “tự kiêu”,
xin miễn gọi: 123.345.5678
Dĩ nhiên, đây chỉ là mẫu quảng cáo để bạn tham khảo, và chắc chắc Bạn sẽ chưa bao giờ đọc được mẫu quảng cáo kiểu này. Nhưng đây là mẫu quảng cáo khá thú vị, vì Bạn biết Bạn đang muốn gì, Bạn đang cần gì, và Bạn cũng biết được cá tính của thợ tự kiêu là gì, và họ có khả năng gì. Bạn dám thách thức họ, và họ cũng sẽ sẵn sàng “khiêu chiến” với Bạn. Đi làm mà có chủ biết thưởng thức được tài năng của mình là một chuyện rất hiếm xẩy ra. Cho nên, khi có người chủ biết thưởng thức họ, họ sẽ trung thành hơn, và làm việc sốt sắng hơn. Thêm vào đó, là Bạn sẽ tránh gặp phải những người thợ “dở dở ương ương” sẽ khiến cho khách của Bạn sẽ bất mãn vì phong cách phục vụ, và sẽ bỏ đi.
Tóm lại, muốn tìm thợ thì không khó, nhưng khó nhất là: Bạn đã biết làm Chủ hay chưa? Nếu Bạn chưa hoàn thiện được 10 điều sai lầm và 12 điều cần có, thì cho dù Bạn có tốn bao nhiêu tiền, dùng bao nhiêu quyền lợi để khéo thợ về tiệm Bạn, Bạn cũng sẽ luôn “khát” thợ, vì chẳng có thợ nào chịu nổi tánh khí “tam bành lục tặc,” hay cư xử không công bằng của Bạn cả.
Đó là chưa kể “lời đồn” khó đỡ. Cho nên, trước khi muốn tìm thợ, thì Bạn phải biết làm chủ đã.
Khi Bạn làm chủ đúng cách, thì thợ của Bạn sẽ giới thiệu Bạn bè của họ cho Bạn. Họ sẽ lôi kéo bạn bè của họ, mà không cần đến Bạn phải ra tay. Và Nếu như Bạn có phải ra tay, thì Bạn phải biết Bạn sẽ thích hợp với loại thợ nào? Tiệm và khách của Bạn sẽ thích hợp với loại thợ nào? Rồi Bạn sẽ soạn mẫu quảng cáo thích hợp cho mẫu người đó mà thôi. Đừng có đăng quảng cáo theo kiểu chung chung như trên các mặt báo:
Cần thợ Nail
Tiệm ở North Phoenix, cần thợ Nail kinh nghiệm, biết làm bột.
Bao lương $800-$900. Tiệm vùng Mỹ Trắng Tip cao,
làm việc vui vẻ, thoải mái.
Xin liên lạc 123.234.3456
Bạn hãy thử so sánh mẫu quảng cáo này với mẫu quảng cáo thí dụ ở trên xem, có khác biệt hay không? Nếu Bạn là người tự kiêu, Bạn sẽ hứng thú với mục quảng cáo nào?
Hãy bắt đầu bằng cách nhìn lại chính Bạn. Và Bạn chỉ có thể là một người chủ thật sự, khi Bạn có thể làm chủ được những cảm xúc của Bạn.
Có thể nói, tất cả các bí quyết để quản lý thợ của Bạn có thành công hay không, đều phụ thuộc vào cách bạn kiểm soát cảm xúc của Bạn có vững vàng hay không. Nếu Bạn không thể kiểm soát được cảm xúc của Bạn một cách vững vàng, thì suốt đời Bạn, sẽ mãi là người chủ “khát” thợ hay “đói” thợ mà thôi.
Thất bại hay thành công trong cửa tiệm hay cuộc đời của Bạn, không nằm trong tay thợ của Bạn, hay của người khác, mà đang nằm trong chính đôi tay của Bạn.
Hãy trở về với chính Bạn, và tìm xem mục đích sống của Bạn là gì? Bạn Muốn gì? và Cần gì?
Nguồn: Internet
LIMITED TIME OFFER
GET $10 OFF
New Customers Only Enter your email to receive this $10 coupon for any orders.
No, thanks